Hiện nay, có rất nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phải quyền sử dụng đất. Việc góp vốn như vậy có ý nghĩa hay không sẽ phụ thuộc vào việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được xem là tài sản hay không? Trong bài viết hôm nay, phaplybatdongsanbinhduong sẽ phân tích những quy định liên quan để trả lời cho câu hỏi “Có góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không?”.
1. Góp vốn là gì?
Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty.
Hiện nay có 02 hình thức góp vốn:
- Góp vốn để thành lập doanh nghiệp.
- Góp vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015, tài sản bao gồm:
- Vật, tiền.
- Giấy tờ có giá: Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác. Một số giấy tờ có giá có thể kể đến là kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu,…
- Quyền tài sản: Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
Bên cạnh đó, khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận như sau:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”
Từ đó có thể thấy, Quyền sử dụng đất là quyền tài sản nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp (tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác), không phải là giấy tờ có giá, không phải là quyền tài sản và cũng không phải và vật theo quy định của luật.
3. Có góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không?
Theo quy định tại Điều 36 Luật doanh nghiệp 2020, các tài sản góp vốn bao gồm:
- Tiền mặt (Đồng Việt Nam hoặc/và ngoại tệ tự do chuyển đổi).
- Vàng.
- Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ.
- Công nghệ, bí quyết kỹ thuật.
- Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chủ sở hữu có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất, còn đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì như đã phân tích, đây không phải là một loại tài sản nên việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để góp vốn không mang ý nghĩa. Hay nói cách khác, nếu góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chỉ góp giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không góp tài sản.
Khi nhận góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp thực chất chỉ có bản giấy này mà không có quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất.
Mặt khác, khi chủ sử dụng đất không có trong tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ sử dụng đất vẫn có thể xin trích lục hoặc báo mất để được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tương tự như vậy, các giao dịch đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế chấp, cầm cố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không mang ý nghĩa.
4. Trình tự, thủ tục góp vốn bằng Quyền sử dụng đất
Quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản và có thể sử dụng để góp vốn. Vậy trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất như thế nào? Tham khảo chi tiết dưới đây nhé!
4.1. Điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì để góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện:
Thứ nhất, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp sau:
+ Người nhận thừa kế là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam cho nên không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng vẫn được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không cần nhất thiết phải đợi đến lúc có Giấy chứng nhận.
Thứ hai, đất không có tranh chấp;
Cần phân biệt việc tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai. Về lý thuyết, thửa đất đang có tranh chấp liên quan đến đất đai như tranh chấp hợp đồng đặt cọc thì không được xem là đất đang có tranh chấp. Tuy nhiên, trên thực tế nếu cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin đất đang có tranh chấp, không cần phân biệt là tranh chấp liên quan hay tranh chấp đất đai thì đều sẽ hạn chế việc chuyển quyền.
Thứ ba, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
Thứ tư, trong thời hạn sử dụng đất.
Xem thêm:
- Quy định pháp luật về trưng dụng đất
- Diện tích đất thực tế khác với diện tích trên sổ giải quyết thế nào?
4.2. Điều kiện nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Điều kiện nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 193 Luật Đất đai 2013 như sau:
Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án;
– Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai 2013 như sau:
Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.
4.3. Hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT) quy định về hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
– Hợp đồng, văn bản về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
– Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
– Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
4.4. Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ.
Người thực hiện việc góp vốn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc sở tài nguyên môi trường.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bước 3: Trả kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất.
Thời gian giải quyết: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý: nếu người sử dụng đất chỉ muốn góp một phần quyền sử dụng đất hoặc người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục tách thửa trước khi nộp hồ sơ góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
Trên đây, phaplybatdongsanbinhduong vừa phân tích các quy định liên quan đến Có góp vốn bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, liên hệ ngay với phaplybatdongsanbinhduong để được hỗ trợ nhanh chóng nhất nhé!
Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương
- Địa chỉ: 530 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình DươngXem địa chỉ
- Holine: 0971 174 040
- Webiste: www.phaplybatdongsanbinhduong.com
- CSKH: phaplybatdongsanbinhduong@gmail.com