HỎI:
Cho tôi hỏi, năm 1978 tôi có mua căn nhà bằng giấy tay, căn nhà này do người bán nhà cho tôi tự xây cất vào năm 1968 trên phần đất thuộc thông hành địa dịch của nhà giáp ranh với nhà tôi (nhà giáp ranh với nhà tôi đã có bằng khoán điền thổ từ năm 1961, trên họa đồ đi kèm với bằng khoán điền thổ này có thể hiện phần thông hành địa dịch và phần thông hành địa dịch này đã được người bán nhà cho tôi xây cất căn nhà bán cho tôi vào năm 1968). Gia đình tôi đã xin nhà nước gắn đồng hồ điện nước và đóng thuế nhà đất hàng năm. Tôi đã đăng ký kê khai nhà đất năm 1999 và đã sinh sống liên tục ổn định tại căn nhà này 39 năm và không có ai tranh chấp. Xin hỏi:
1. Trường hợp của tôi có được nhà nước cấp GCN quyền sử dụng đất hay không?
2. Tôi có phải liên hệ với chủ cũ làm giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất hay không?
Mong Pháp lý bất động sản Bình Dương giải đáp giúp tôi. Xin cám ơn!
ĐÁP:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến pháp lý bất động sản Bình Dương. Trường hợp này chúng tôi xin được giải đáp như sau:
- Bạn có được nhà nước cấp GCN quyền sử dụng đất hay không?
Khoản 1, Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai:
“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là quy hoạch) hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
- a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở quy định tại Khoản 4 Điều 103 của Luật Đất đai(sau đây gọi là hạn mức công nhận đất ở) thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
- b) Đối với thửa đất có công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã xây dựng công trình đó; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
- c) Đối với thửa đất có cả nhà ở và công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Điểm a Khoản này; phần diện tích còn lại đã xây dựng công trình sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản này;
- d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì được xác định là đất nông nghiệp và được công nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều này.”
Vậy đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn mua đất và nhà năm 1978 (tức trước thời điểm 15/10/1993), bạn cần được UBND cấp xã xác minh là không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch địa phương. Từ đó, bạn sẽ được công nhận quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ cho từng loại đất như theo các điểm a,b,c,d khoản 1, điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP nêu trên.
Thủ tục đề nghị UBND cấp xã xác minh là không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch địa phương:
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Nơi nộp hồ sơ: UBND cấp xã
Thành phần hồ sơ:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
- Sổ hộ khẩu; chứng minh nhân dân;
- Văn bản xin xác nhận đất không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch sử dụng đất;
- Giấy ủy quyền (nếu thông qua ủy quyền).
Thời gian thực hiện: từ 03-05 ngày làm việc
Nội dung văn bản xác nhận thông thường như sau:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
MẪU ĐƠN XIN XÁC NHẬN ĐẤT ĐAI
(V/v xác nhận về tình trạng đất không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất)
Kính gửi : – UBND phường… , Thành phố… , Tỉnh…
– Phòng địa chính phường …, Thành phố …, Tỉnh ….
Tôi tên là :…
Nghề nghiệp:…
Hộ khẩu thường trú:…
Chỗ ở hiện nay:…
Nay tôi làm mẫu đơn xin xác nhận tình trạng thửa đất này đề nghị xã, (phường, thị trấn) xác nhận cho tôi vụ việc như sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mang tên…tại địa chỉ….theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số….cấp ngày…tháng…năm…hiện tại được gia đình tôi sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kính mong UBND xem xét, xác nhận nội trên là đúng để tôi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Người làm đơn
- Bạn có phải liên hệ với chủ cũ làm giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất hay không?
Theo Khoản 54, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai. Quy định về trường hợp sử dụng đất trước thời điểm 01/01/2008 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do bạn mua đất và sử dụng đất từ năm 1978 (trước ngày 01/01/2008) nên bạn được thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất mà không cần phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy bạn không cần phải liên hệ chủ cũ để làm giấy tờ xác nhận chuyển quyền sử dụng đất mà có thể tự mình thực hiện thủ tục yêu cầu Cấp giấy chứng nhận.
Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm (Căn cứ khoản 1, điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT):
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Bước 2. Nộp hồ sơ:
Căn cứ khoản 19, Điều 1, Nghị định 148/2020/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định như sau:
– Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tạiVăn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai
– Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
- Bước 3. Tiếp nhận hồ sơ
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
- Bước 4: Giải quyết
– Trong giai đoạn này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc theo nhiệm vụ để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
– Đối với người sử dụng đất chỉ cần nhớ nghĩa vụ của mình đó là thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận…). Khi nhận được thông báo nộp tiền thì nộp theo đúng số tiền, thời hạn như thông báo và lưu giữ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.
- Bước 5: Nhận kết quả
Thời hạn thực hiện do UBND cấp tỉnh quy định nhưng:
– Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khắn, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
– Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
(Theo khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP)
Sau thời hạn này, người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận nhận lại bản chính giấy tờ đã được xác nhận cấp Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Pháp lý bất động sản Bình Dương đối với trường hợp của bạn. Đây là ý kiến tư vấn mang tính chất tham khảo, mong rằng sẽ giúp ích được bạn. Xin cám ơn.
——————————————–
#Phaplybatdongsanbinhduong
#Tuvanthutucdatdai
#Tuvantranhchapdatdai
#Tuvandautudatdai
#Phaplybatdongsanbinhduong.com
#0967567639
CÔNG TY TNHH PHÁP LÝ BẤT ĐỘNG SẢN BÌNH DƯƠNG
- Địa chỉ: 530 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình DươngXem địa chỉ
- Holine: 0971 174 040
- Webiste: www.phaplybatdongsanbinhduong.com
- CSKH: phaplybatdongsanbinhduong@gmail.com