Xin cho tôi hỏi khi mua bán đất có nhất thiết phải nộp hồ sơ để đo đạc lại đất không. Hay chỉ lập hợp đồng mua-bán và sang tên dựa theo sổ đỏ của người bán. Xin hướng dẫn giúp tôi chi tiết thủ tục giấy tờ và chi phí liên quan việc mua bán đất được không ạ. Xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi rất hay này đến Pháp lý bất động sản Bình Dương. Trường hợp này, chúng tôi giải đáp như sau:
- Các trường hợp phải đo đạc lại đất?
Việc bạn chuyển nhượng một phần hay toàn bộ thửa đất dẫn đến việc quy định về đo đạc cũng khác nhau.
Trường hợp 1: Chuyển nhượng một phần thửa đất
Khoản 1, Điều 79, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:
“Điều 79. Trình tự, thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng
- Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.”
Vậy, trường hợp chuyển nhượng một phần thửa đất thì người sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện thủ tục đo đạc tách thửa.
Trường hợp 2: Chuyển nhượng toàn bộ thửa đất
Cũng tại Khoản 1, Điều 79, Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng không có quy định phải đo đạc lại trong trường hợp chuyển nhượng toàn bộ thửa đất.
Tuy nhiên, tại điểm 1.1, Khoản 1, Điều 17 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT có quy định về việc chỉnh lý bản đồ địa chính như sau:
“Điều 17. Đo đạc chỉnh lý, bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính
- Chỉnh lý bản đồ địa chính
1.1. Việc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện trong các trường hợp sau:
- a) Xuất hiện thửa đất và các đối tượng chiếm đất mới (trừ các đối tượng là công trình, xây dựng và tài sản trên đất);
- b) Thay đổi ranh giới thửa đất và các đối tượng chiếm đất (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);
- c) Thay đổi diện tích thửa đất;
- d) Thay đổi mục đích sử dụng đất;
đ) Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất;
- e) Thay đổi về mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp;
- g) Thay đổi về điểm tọa độ địa chính và điểm tọa độ Quốc gia;
- h) Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình;
- i) Thay đổi về địa danh và các ghi chú trên bản đồ.”
Do đó, trong trường hợp chuyển nhượng toàn bộ thì không bắt buộc tất cả các trường hợp phải đo đạc lại thửa đất mà chỉ đo đạc chỉnh lý khi thuộc các trường hợp nếu trên.
- Điều kiện để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 188 của Luật đất đai 2013 thì người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
- Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- b) Đất không có tranh chấp;
- c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- d) Trong thời hạn sử dụng đất.
- Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
- Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”
- Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (yêu cầu công chứng)
– Hồ sơ yêu cầu công chứng: 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng cho tổ chức công chứng bao gồm:
+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;
+ Dự thảo hợp đồng (nếu có);
+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
– Hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất gồm:
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên.
- Trình tự thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
B1: Ký hợp đồng công chứng tại Phòng công chứng/Văn phòng công chứng;
B2: Kê khai và nộp phí trước bạ tại Chi cục thuế/Văn phòng đăng ký đất đai và các cơ quan khác có thẩm quyền;
B3: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai;
B4: Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, gửi thông tin cho cơ quan thuế;
B5: Cơ quan thuế gửi Văn phòng đăng ký đất đai thông tin về nghĩa vụ thuế để người thực hiện thủ tục đóng thuế;
B6: Nộp biên lai đóng thuế, phí, lệ phí cho Văn phòng đăng ký đất đai để nhận Giấy chứng nhận.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Pháp lý bất động sản Bình Dương đối với trường hợp của bạn. Đây là ý kiến tư vấn mang tính chất tham khảo, mong rằng sẽ giúp ích được bạn trong trường hợp này.
Xin cám ơn!
==========================
Công ty TNHH Pháp lý bất động sản Bình Dương
Hotline: 0967.567.639
Kiến thức là để chia sẻ và chúng tôi định vị mình là môi giới-Tư vấn bất động sản tử tế
Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương
- Địa chỉ: 530 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình DươngXem địa chỉ
- Holine: 0971 174 040
- Webiste: www.phaplybatdongsanbinhduong.com
- CSKH: phaplybatdongsanbinhduong@gmail.com