Trong quá trình sinh sống và phát triển ở nước ngoài, cộng đồng Việt kiều ngày càng góp phần tích cực lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và là một phần không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc.
1.Việt kiều là gì ?
Việt Kiều (còn gọi người Việt sống ở hải ngoại hoặc người Việt Nam ở nước ngoài) là những người gốc Việt hiện đang sống, làm việc, học tập ở nước ngoài. Họ có thể đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc có thể mang quốc tịch của nước sở tại.
2. Việt kiều có được mua nhà ở Việt Nam không?
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt Kiều) là chỉ: công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài
Khoản 2 Điều 7 Luật Nhà ở 2014: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam”.
Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam’.
3. Điều kiện để Việt Kiều mua nhà đất tại Việt Nam?
Mặc dù thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở, đất đai tại Việt Nam. Tuy nhiên, để được công nhận quyền sở hữu nhà ở hợp pháp, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt Kiều) phải đáp ứng các điều kiện:
- Phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam ( Khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014);
- Có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật (Điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014).
Nếu có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp theo quy định như trên thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (quy định chi tiết tại Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014).
4.Giấy tờ cần để chứng minh việt kiều thuộc đối tượng sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP – Hướng dẫn luật nhà ở”, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt Kiều) thì phải có các giấy tờ theo quy định như sau:
Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam: phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài:
+ Phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu; và
+ Kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam;
+ Hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp (hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam).
5. Các trường hợp quyền sử dụng đất ở của Việt kiều.
a) Quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước theo quy định của pháp luật đất đai
Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch là đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định.
Theo Điều 186 của Luật Đất đai năm 2013 quy định quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, thì:
– Trường hợp Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam và có các quyền, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất; được chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa; thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.
– Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Việc giải quyết cụ thể như sau:
+ Trường hợp tất cả đối tượng thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Nếu chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
+ Trường hợp có người thừa kế không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính. Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo phương thức chuyển nhượng hoặc được tặng cho, nếu chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
+ Trong trường hợp người thừa kế không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được ủy quyền bằng văn bản cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
b) Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt Kiều) đã có quyền sử dụng đất ở mà không thuộc trường hợp sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Điều 186 của Luật Đất đai năm 2013
Theo quy định tại Điều 169 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp người gốc Việt Nam nhưng đang định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật.
Như vậy, đối với đất ở thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Trên thực tế, không ít các trường hợp Việt kiều (người Việt Nam định cư ở nước ngoài) đã có quyền sử dụng đất ở trong thời gian sinh sống tại Việt Nam nghĩa là có quyền sử dụng đất ở trước thời điểm xuất cảnh định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, pháp luật đất đai và các văn bản pháp luật liên quan hiện hành cũng không quy định về việc chấm dứt quyền sử dụng đất ở (nếu không thuộc các trường hợp được nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai) đối với những trường hợp này. Do đó họ vẫn có quyền của người sử dụng đất đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận trước khi định cư ở nước ngoài./.
Công ty Luật TNHH Pháp lý AV Bình Dương
- Địa chỉ: 530 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình DươngXem địa chỉ
- Holine: 0971 174 040
- Webiste: www.phaplybatdongsanbinhduong.com
- CSKH: phaplybatdongsanbinhduong@gmail.com