Làm cách nào để xác định thành viên hộ gia đình khi thực hiện công chứng, chứng thực liên quan đến “Hộ gia đình sử dụng đất”?

Khi thực hiện công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho “Hộ gia đình” (có thể gọi chung là “Hộ gia đình sử dụng đất” thì một trong những vấn đề còn tranh luận khá gay gắt hiện nay là xác định thành viên của “Hộ gia đình” như thế nào. Nghiên cứu các quy định pháp luật trong Bộ luật Dân sự 2015; hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về đất đai theo Luật Đất đai 2013; hệ thống văn bản pháp luật về công chứng, chứng thực. Người viết đưa ra một số tiêu chí để xác định như sau:

Thứ nhất,  Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho “Hộ gia đình” (hay còn gọi là “Hộ gia đình sử dụng đất”) được hiểu như thế nào?

Tại khoản 2, Điều 101, Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai”

Tại khoản 1, Điều 102, Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Khoản 1, Điều 102, Bộ luật dân sự quy định: “Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác lập theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này.”

Khoản 1, Điều 212 quy định: “Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ tại khoản 29 Điều 3 “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Với quy định trên thì có thể hiểu “Hộ gia đình sử dụng đất” có 02 dấu hiệu nhận biết là:

Dấu hiệu 1: Thành viên gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

Dấu hiệu 2: Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất (tức là thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Thứ haicần xem xét về cách thức thể hiện thông tin, xác định người sử dụng đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho “Hộ gia đình”.

Theo quy định trước đây tại điểm b, khoản 3, Điều 43 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai thì: “Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì ghi họ, tên chủ hộ”. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 43 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP thì: “Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả họ tên vợ và họ, tên chồng; trường hợp hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thì phải có văn bản thỏa thuận của vợ và chồng có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn”.

Theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, tại điểm c, khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại điểm a khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó”.

Như vậy, với các quy định nêu trên thì trong hệ thống pháp luật về đất đai trước kia và hịên hành đều không có quy định phải ghi rõ tên của mọi thành viên hộ gia đình trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho “Hộ gia đình”. Vì vậy, Công chứng viên hoặc cán bộ chứng thực không thể căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định thành viên của hộ gia đình khi chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Một vấn đề đặt ra là liệu chủ hộ hay người có tên trên Giấy chứng nhận có quyền đương nhiên đại diện cho các thành viên còn lại để ký kết, tham gia các hợp đồng, giao dịch dân sự hay không? Và người thực hiện công chứng, chứng thực chỉ cần yêu cầu chủ hộ hoặc người có tên trên Giấy chứng nhận ký kết vào hợp đồng, giao dịch mà không phải tất cả các thành viên hộ gia đình tham gia ký kết?

Tại khoản 2, Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 có quy định: “Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư”. Về bản chất thì thành viên hộ gia đình trong “Hộ gia đình sử dụng đất” cũng là một dạng của “nhóm người sử dụng đất” nên khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhóm, đến “Hộ gia đình” thì tất cả các thành viên phải tham gia và ký kết hợp đồng.

Tại khoản 2, Điều 212 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. ”

Từ những phân tích trên, có thể thấy khi thực hiện công chứng, chứng thực liên quan đến quyền sử dụng đất của “Hộ gia đình” không thể chỉ chủ hộ hoặc đại diện “Hộ gia đình” tham gia mà phải được tất cả thành viên là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đồng ý, ký kết hợp đồng, giao dịch.

Thứ ba, cơ sở và căn cứ nào để xác định thành viên hộ gia đình trong “Hộ gia đình sử dụng đất”

Việc xác định thành viên hộ gia đình dựa trên căn cứ là “Sổ hộ khẩu” của gia đình. Với khái niệm đã được quy định tại tại khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai 2013 với 02 dấu hiệu đặc trưng đã nêu trên thì có thể khẳng định thành viên hộ gia đình trong “Hộ gia đình sử dụng đất” là những thành viên có tên trong sổ hộ khẩu gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền đất mang tên “Hộ gia đình” sẽ là những người có quyền sở hữu/sử dụng chung tài sản đó.

Như vậy, đến thời điểm thực hiện các hợp đồng, giao dịch phải công chứng, chứng thực thì rất nhiều trường hợp sổ hộ khẩu gia đình đã được cấp đổi, có thể có những biến động, phát sinh thêm thành viên gia đình; thành viên hộ gia đình đã tách khẩu, chuyển khẩu, tách hộ… Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền không thể căn cứ vào sổ hộ khẩu hiện tại để xác định các thành viên là chủ sử dụng với quyền sử dụng đất đã cấp cho “Hộ gia đình”. Trong trường hợp này, công chứng viên, người thực hiện chứng thực, các cơ quan khác có liên quan sẽ yêu cầu “Hộ gia đình” phải có giấy/đơn xin xác nhận của cơ quan công an hoặc UBND cấp xã về các thành viên của hộ gia đình mình tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chính là cơ sở quan trọng để công chứng viên, người chứng thực xác định thành viên “Hộ gia đình sử dụng đất” khi thực hiện công chứng, chứng thực của hộ gia đình./.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Pháp lý bất động sản Bình Dương đối với trường hợp của bạn. Đây là ý kiến tư vấn mang tính chất tham khảo, mong rằng sẽ giúp ích được bạn trong trường hợp này.

Chúng tôi có thực hiện các dịch vụ liên quan đến đăng ký biến động đất đai. Nếu bạn bận công việc hay ngại làm các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai. Hãy liên hệ chúng tôi qua Hotline: 0967.567.639

>>>Xem Dịch vụ của chúng tôi tại đây: https://phaplybatdongsanbinhduong.com/dich-vu-thu-tuc-dang-ky-dat/dich-vu-dang-ky-bien-dong-dat-dai/

============================

Công ty TNHH Pháp lý bất động sản Bình Dương

Hotline: 0967567639

Kiến thức là để chia sẻ và chúng tôi định vị mình là nhà môi giới-Tư vấn bất động sản tử tế

Pháp lý bất động sản bình dương – Tháo gỡ nút thắt cho khách hàng

Luật sư tư vấn đất đai tại Bình Dương

Thông tin chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ:
CÔNG TY TNHH PHÁP LÝ BẤT ĐỘNG SẢN BÌNH DƯƠNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *